Cập nhật lúc: 23/07/2012 10:26:09 AM

NCSEIF - Kinh tế Mỹ tiếp tục tăng trưởng vừa phải. Theo báo cáo "Beige Book" của FED công bố ngày 6/6/2012, trừ khu vực Philadelphia, 11 chi nhánh còn lại thuộc ngân hàng trung ương Mỹ đều đánh giá nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn duy trì đà tăng trưởng "vừa phải" trong hai tháng qua. Cụ thể, chỉ số hoạt động của các nhà máy, chi tiêu tiêu dùng và doanh số bán ôtô, xe máy đều tăng. Ngành dịch vụ cũng tiếp tục mở rộng, đặc biệt ở phân khúc kinh doanh và giải trí. Nhu cầu đối với các dịch vụ phi tài chính nhìn chung tăng trưởng ổn định và tăng nhẹ so với báo cáo trước, đặc biệt là sự tăng trưởng mạnh mẽ trong các dịch vụ công nghệ thông tin.
Ngoài ra, tỷ lệ lạm phát của nền kinh tế Mỹ cũng đã được kiềm chế, trong khi giá nguyên liệu có xu hướng giảm và không còn tác động nhiều đến hoạt động kinh tế.
Mặc dù nền kinh tế Mỹ tiếp tục ghi nhận nhiều tín hiệu khả quan, FED nhận định đà tăng trưởng chung vẫn còn "chậm chạp". Ngoài ra, suy thoái tại châu Âu cũng như tình hình chính trị trong nước trước thềm cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới cũng có thể sẽ ảnh hưởng đến các điều kiện kinh doanh trong tương lai đối với các doanh nghiệp Mỹ. Dự kiến ngày 19/6 - 20/6 tới, Ủy ban Thị trường mở liên bang (FOMC), cơ quan hoạch định chính sách của FED, sẽ họp tại Washington đánh giá tình hình kinh tế cũng như đưa ra các chính sách tiếp theo để thúc đẩy đà tăng trưởng. Trước đó, ngày 24 - 25/4, FOMC cũng đã nhóm họp và khẳng định sẽ áp dụng kế hoạch duy trì lãi suất gần mức 0% cho đến ít nhất là cuối năm 2014 nhằm thúc đẩy tăng trưởng và giảm tỷ lệ thất nghiệp.
Suy giảm kinh tế trên toàn cầu đang ảnh hưởng tới nền kinh tế Mỹ. Chỉ số PMI của Mỹ tháng 5/2012 giảm xuống 54 điểm so với 56 điểm trong tháng 4/2012, cho thấy sự cải thiện yếu nhất về điều kiện kinh doanh kể từ tháng 2/2012, mặc dù vẫn ở mức mở rộng. Trong các chỉ số cấu thành của PMI, chỉ số đơn hàng xuất khẩu gần như không cải thiện, phản ánh nhu cầu từ nước ngoài đang giảm, đặc biệt là từ châu Âu và một số nền kinh tế đang nổi như Trung Quốc. Trong khi đó, nhu cầu nội địa của Mỹ vẫn tăng mạnh. Tuy nhiên, nhu cầu toàn cầu giảm cũng sẽ làm giá nhiều loại nguyên liệu thô, dẫn đến giảm áp lực về chi phí đối với các nhà sản xuất của Mỹ.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ giảm mạnh. Theo số liệu được Bộ Lao động Mỹ công bố ngày hôm nay (14/6), CPI tháng 5 giảm 0,3%, mạnh hơn dự đoán và là mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 12 năm 2008. Tuy nhiên, CPI lõi – chỉ số đã loại trừ các hàng hóa dễ biến động như thực phẩm và năng lượng – lại tăng 0,2% và có tháng tăng thứ 3 liên tiếp. Giá năng lượng giảm 4,3% so với tháng trước, mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 12 năm 2008. Giá gas giảm 6,8%, giá xăng dầu cũng sụt giảm. So với cùng kỳ năm ngoái, giá năng lượng lần đầu tiên giảm 3,9%, đánh dấu lần giảm đầu tiên kể từ tháng 10 năm 2009. Trong khi đó, giá thực phẩm không đổi với mức tăng của mặt hàng rau quả được bù đắp bằng sự sụt giảm trong giá đồ uống, thực phẩm bơ sữa và thịt. CPI lõi tăng là do giá nhà ở, dịch vụ chăm sóc sức khỏe, ô tô và chi phí đi lại tăng. Chi phí chăm sóc sức khỏe tăng mạnh nhất kể từ tháng 10 năm ngoái trong khi giá nhà tăng 0,2%, giá phòng khách sạn tăng 1,8%.
Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu đột ngột tăng 6.000 đơn, lên con số 386.000 đơn trong tuần kết thúc vào ngày 96/2012, sau khi giảm xuống còn 377.000 đơn vào tuần trước đó, cho thấy thị trường lao động vẫn thiếu ổn định. Tuy nhiên, giá năng lượng giảm đã làm dịu bớt lo ngại về việc làm, từ đó ảnh hưởng tới chi tiêu tiêu dùng. Đồng thời, với việc lạm phát chậm lại và thị trường lao động diễn biến xấu đi, các nhà hoạch định chính sách của FED có thể linh hoạt hơn trong việc đưa ra các biện pháp kích thích nền kinh tế.
Một nguy cơ đáng lo ngại đối với nền kinh tế Mỹ trong thời gian gầy đây là tình trạng nợ của sinh viên khổng lồ. Thống kê mới nhất của Ngân hàng dự trữ liên bang Mỹ (FED) cho biết trong vòng một thập kỷ qua, gánh nặng nợ nần của sinh viên Mỹ đã tăng gấp hơn ba lần trong vòng một thập kỷ qua. Khoản nợ khổng lồ của sinh viên giờ đây đã trở thành một “quả bom nổ chậm” đe dọa nền kinh tế lớn nhất thế giới, nguy hiểm không kém khoản vay thế chấp dưới chuẩn từng đẩy nước Mỹ rơi vào cuộc khủng hoảng tài chính trầm trọng 2007-2009. Tính đến hết quý 1/2012, tổng khoản nợ của sinh viên Mỹ đã lên mức 904 tỷ USD, tăng 275% so với khoản nợ 241 tỷ USD ở thời điểm năm 2003. Khoản nợ của sinh viên vẫn tiếp tục đà gia tăng, bất chấp sự yếu kém của nền kinh tế cũng như việc người tiêu dùng Mỹ hạn chế chi tiêu và giảm vay tiền. Hiện nay nợ của sinh viên là khoản nợ lớn thứ hai trong danh mục các khoản nợ của Mỹ, chỉ xếp sau khoản nợ thế chấp. Trung bình mỗi sinh viên Mỹ mang nợ khoảng 12.800 USD, trong đó khoảng 25% mang nợ hơn 28.000 USD; 10% mang nợ hơn 54.000 USD và 3,1% mang nợ hơn 100.000 USD. Học phí của các trường đại học tăng mạnh trong thập kỷ qua và số lượng học sinh vào đại học đông hơn là hai nguyên nhân làm cho gánh nặng nợ của sinh viên Mỹ tăng mạnh. Hiệp hội toàn quốc các luật sư chuyên trách về phá sản và vỡ nợ của người tiêu dùng (NACBA) cho biết số lượng sinh viên Mỹ nộp đơn xin bảo lãnh vỡ nợ trong vài năm qua đã và đang gia tăng với tốc độ đáng báo động, không ít sinh viên ra trường đến tuổi 60 vẫn chưa trả hết nợ.