Cập nhật lúc: 14/11/2013 09:26:04 AM
NCSEIF - Kinh tế Mỹ tháng 10/2013 tăng trưởng ở mức độ vừa phải nhưng tại một vài khu vực tại quốc gia này, tốc độ tăng trưởng sụt giảm do chịu tác động của cuộc khủng hoảng ngân sách. CPI tháng 10/2013 tăng 0,2% so với cùng kỳ sau khi tăng 0,1% trong tháng 9/2013. Tỷ lệ thất nghiệp tháng 9/2013 của Mỹ giảm xuống còn 7,2%, thấp hơn 0,1% so với tháng 8/2013, và là mức thấp nhất kể từ cuối năm 2008. Tuy nhiên, trong tháng 9/2013, thị trường lao động Mỹ chỉ có thêm 148.000 việc làm mới, cụ thể là trong lĩnh vực xây dựng, thương mại, vận chuyển và lưu kho. Điều này cho thấy cho thấy chưa hẳn tỷ lệ thất nghiệp giảm do kinh tế phục hồi. Nhiều nhà đầu tư tại một số khu vực vẫn giữ nguyên lập trường không thuê thêm lao động vì lo ngại chính sách tài khóa của Mỹ và việc áp dụng dự luật cải cách y tế của Tổng Thống Barack Obama sẽ tiếp tục tác động tiêu cực lên tình hình kinh doanh.
Mặc dù chỉ số PMI sản xuất của Mỹ trong tháng 9/2013 đạt 52,8, giảm so với con số 53,1 trong tháng 9/2013, đánh dấu sự suy giảm trong tháng thứ hai liên tiếp nhưng việc chỉ số này vẫn giữ trên mức 50 cho thấy khu vực sản xuất của Mỹ đang gia tăng. Ngoài ra, doanh thu buôn bán nhà ở và giá nhà tiếp tục tăng, trong khi lượng nhà tồn ở mức thấp cũng đã giúp lĩnh vực bất động sản tại hầu hết các thị trường ở Mỹ tiếp tục cải thiện vừa phải so với báo cáo trước đó. Không chỉ vậy, tháng 9/2013 và tuần đầu tháng 10 cũng chứng kiến sự chuyển biến tích cực của ngành dịch vụ, khu vực kinh tế mang lại nguồn thu lớn nhất của Mỹ. Tuy không khởi sắc như lĩnh vực trên song các hoạt động trong ngành lắp ráp cũng tăng nhẹ.
Sự kiện lần đầu tiên trong vòng 17 năm qua chính phủ liên bang phải đóng cửa và những căng thẳng chính trị xung quanh vấn đề trần nợ quốc gia đã khiến niềm tin người tiêu dùng của nước này giảm sút nghiêm trọng trong tháng 10/2013, Chỉ số tổng thể niềm tin người tiêu dùng đã giảm xuống 75,2 trong tháng 10/2013, giảm so với mức 77,5 trong tháng 9/2013, mức thấp nhất trong 9 tháng qua và thấp hơn mức dự báo là 76 điểm của các nhà kinh tế. Đây cũng là tháng giảm thứ 3 liên tiếp của chỉ số này. Số đơn đặt hàng lâu bền (không tính máy bay) đã giảm 1,1% trong tháng 9/2013 . Đây là tín hiệu cho thấy các doanh nghiệp có xu hướng thắt chặt túi tiền khi cuộc chiến ngân sách chưa được giải quyết ổn thỏa. Tuy nhiên, nếu tính cả lĩnh vực máy bay thì số đơn đặt hàng lâu bền trong tháng 9/2013 lại tăng 3,7%, vượt ngoài mong đợi.
Sau 16 ngày đóng cửa chính phủ Mỹ đã thiệt hại không hề nhỏ và điều này có ảnh hưởng đến nền kinh tế nước Mỹ. Theo ước tính, nền kinh tế Mỹ thiệt hại từ 12 đến 24 tỷ USD, tương đương với 1,5 tỷ USD/ngày và làm mất khoảng 250.000 việc làm. Việc chính phủ đóng cửa đã làm giảm 20% tăng trưởng quý IV/2013. Thêm vào đó, việc đóng cửa các văn phòng liên bang chuyên xử lý vay nợ thế chấp, các khoản vay kinh doanh nhỏ và giấy phép, cùng với sự gián đoạn trong các hoạt động du lịch, đã cắt bớt khoảng 7 tỷ USD khỏi mức tăng trưởng quý IV/2013 của nền kinh tế Mỹ. Ít nhất 400.000 nhân viên chính phủ sẽ được thanh toán lương cho 16 ngày họ nghỉ làm và một con số xấp xỉ sẽ được trả lương dù không làm việc trong một phần thời gian đóng cửa. Chính phủ đóng cửa đã gây thiệt hại 152 triệu USD/ngày cho du lịch và các hoạt động liên quan đi lại. Phần lớn thiệt hại là do các công viên liên bang đóng cửa. Tỷ lệ thuê phòng ở các khách sạn thuộc khu vực Washington giảm 9% so với mức cuối tháng 9/2013. Theo tính toán của ban KTTG, do đó những tác động tiêu cực của việc đóng cửa chính phủ Mỹ vừa qua, tăng trưởng GDP của Mỹ bị sụt giảm xuỗng mức 1,5% cho năm 2013 so với mức dự báo 1,7% của Ban KTTG đưa ra trong Quý III/2013.
Ngoài ra, dữ liệu kinh tế tháng 10/2013 của Mỹ bị khuyết do Chính phủ ngừng hoạt động trong nửa đầu tháng 10, vô tình khuấy động lên nhiều tranh luận kinh tế trái chiều. Điều này cũng làm Cục dự trữ liên bang (FED) sẽ không có đủ căn cứ để ra các quyết sách kinh tế vì FED luôn nói rằng, các quyết định của cơ quan này đều dựa trên các dữ liệu về tình hình kinh tế. Nếu vậy thì trong cuộc họp cuối tháng 10 này, nhiều khả năng Fed sẽ không đưa ra quyết định nào, hay nói cách khác là chính sách nới lỏng định lượng của ngân hàng trung ương này sẽ tiếp tục được duy trì (cuộc họp này đã diễn ra chưa, cập nhật vào).
Điều đáng nói là, chính nguyên nhân của việc thiếu dữ liệu lại cũng có thể gây tổn hại đến nền kinh tế Mỹ, do không chỉ có Cục thống kê đóng cửa mà nhiều cơ quan thuộc các lĩnh vực khác cũng ngừng hoạt động. Do vậy, số liệu bị thiếu lại chính là dữ liệu quan trọng, đặc biệt khi dữ liệu việc làm tháng 9, tức là trước khi Chính phủ Mỹ đóng cửa, cũng yếu hơn kỳ vọng đáng kể.
Trong phiên họp ngày 29 và 30/10, các nhà hoạch định chính sách của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) phải đối mặt với những thống kê "sai lệch" và bức tranh kinh tế u ám do đợt đóng cửa vừa qua của một số cơ quan công quyền ở Mỹ. FED cho rằng cần nhiều bằng chứng hơn cho thấy nền kinh tế tiếp tục phục hồi nên FED quyết định giữ nguyên gói QE3, chờ đợi tăng trưởng kinh tế mạnh hơn.
--------------------------------------------------
Tài liệu tham khảo:
1. http://www.bea.gov/newsreleases/national/gdp/gdpnewsrelease.htm/
2. Bộ lao động Mỹ http://www.dol.gov/.
3. markiteconomics.com
4. http://gafin.vn/