Cập nhật lúc: 26/01/2015 04:11:37 PM
Kể từ năm 2008, sau cú sốc khủng hoảng tài chính, Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã tung ra 3 gói nới lỏng định lượng với hy vọng vực dậy nền kinh tế đang bế tắc.
Gói nới lỏng định lượng là gì?
QE ( nới lỏng định lượng) là một công cụ tiền tệ được các NHTW sử dụng để kích thích nền kinh tế. Đây là 1 công cụ mới, khác với các công cụ thông thường và hiện nay vẫn gây nhiều tranh cãi. Thông thường, khi nền kinh tế lâm vào suy thoái hoặc tăng trưởng rất chậm chạp trong 1 thời gian quá dài, Fed sẽ giảm lãi suất ngắn hạn để có thể đẩy mạnh cho vay và chi tiêu. Tuy nhiên, hiện nay, Fed đã cắt giảm lãi suất xuống mức thấp nhất có thể nhưng nền kinh tế vẫn chật vật. Lãi suất đã ở mức gần 0 và Fed không thể đi xa hơn được nữa.
Bởi vậy, thay vào đó, NHTW có thể dùng đến các gói QE. Fed có thể mua vào các tài sản dài hạn như trái phiếu kho bạc hoặc các chứng khoán có đảm bảo bằng tài sản thế chấp (MBS) từ các ngân hàng thương mại và các định chế tài chính khác. Lượng tiền này được bơm vào nền kinh tế và sẽ khiến lãi suất dài hạn giảm xuống trong tương lai. Khi lãi suất dài hạn giảm xuống, nhà đầu tư có nhiều lựa chọn hơn trong việc tiêu tiền. Đó là những gì diễn ra theo lý thuyết.
Ba gói nới lỏng định lượng của Mỹ
Lần thứ nhất, vào cuối tháng 11/2008, sau cú sốc khủng hoảng tài chính, Fed bắt đầu (QE1) mua vào các MBS và trái phiếu kho bạc để có thể thúc đẩy nền kinh tế với trị giá 1.700 tỷ USD. Sau đó, Fed cho rằng lượng tiền bơm vào đã đủ và ngừng hành động. Tuy nhiên, khi nền kinh tế lại bắt đầu yếu đi, Chủ tịch Fed Ben Bernanke khởi động lại chương trình QE2 vào tháng 8/2010, tiếp tục mua vào 600 tỷ USD tài sản. Cuối cùng là QE3, kể từ khi bắt đầu được áp dụng vào cuối năm 2012 đến nay, Fed đã mua vào 1.6 ngàn tỷ USD chứng khoán theo chương trình QE3 nhằm duy trì lãi suất ở mức thấp và kích thích nền kinh tế. Các gói QE của Fed, ra đời năm 2008 với mục đích duy trì đà phục hồi của nền kinh tế Mỹ, đã khiến bảng cân đối kế toán của ngân hàng trung ương vượt ngưỡng 4.5 ngàn tỷ USD, cao gần gấp 6 lần so với khi thời điểm ngân hàng này bắt đầu mua vào trái phiếu.
Tác động của 3 gói QE3 đến nền kinh tế Mỹ
Về lý thuyết, các gói QE sẽ có 2 tác dụng. Thứ nhất, chúng bơm tiền vào các ngân hàng và cho phép các ngân hàng cho vay nhiều hơn. Thứ 2, QE giúp giảm lãi suất. Ví dụ, nếu như Fed mua vào lượng lớn MBS, chi phí khi vay tiền để mua 1 ngôi nhà sẽ thấp hơn rất nhiều. Theo nhiều nghiên cứu, gói sau 6 năm áp dụng QE nền kinh tế Mỹ đã cải thiện rất nhiều.
- Tỷ lệ thất nghiệp giảm đáng kể: Tỷ lệ thất nghiệp tháng 11/2014 là 5,9% mức thấp nhất kể từ khi QE bắt đầu, Số người nộp đơn xin hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Mỹ trong giữa tháng 12/2014 vẫn duy trì dưới ngưỡng 300.000, mức cho thấy sự tuyển dụng đang diễn ra mạnh mẽ trên thị trường lao động. Theo báo cáo công bố ngày 18/12 của Bộ Lao động Mỹ, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu giảm 6.000 đơn xuống 289.000 đơn trong tuần kết thúc vào ngày 13/12. Như vậy, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tiếp tục ghi nhận tuần thứ 13 trong số 14 tuần vừa qua đứng dưới mức 300.000 đơn.
Trong năm 2014, trung bình nền kinh tế Mỹ tạo ra 239.000 việc làm trong mỗi tháng, cao nhất kể từ năm 1999, qua đó cho thấy xu hướng phục hồi cùng với việc giảm số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu.
- Lạm phát duy trì mức độ ổn định: CPI của Mỹ giảm 0,3% trong tháng 11/2014, mức giảm mạnh nhất trong gần 6 năm, trong bối cảnh giá xăng dầu giảm mạnh nhất kể từ tháng 12/2008. Trong 12/2014 tháng tính đến tháng 11/2014, CPI tăng 1,3%, mức tăng yếu nhất trong 9 tháng. Fed dự kiến tỷ lệ lạm phát sẽ dần tăng lên mục tiêu 2% mà cơ quan này đề ra. Kể từ tháng 12/2008 đến nay, Fed vẫn đang giữ lãi suất ngắn hạn gần mức 0%.
- Tăng trưởng phục hồi trở lại: Trong quý I/2014, tốc độ tăng trưởng kinh tế Mỹ rơi xuống mức -2,1% thấp hơn nhiều so với kì vọng chỉ giảm 1%. Nguyên nhân chính khiến nền kinh tế Mỹ suy yếu trầm trọng trong quý I/2014 vẫn là thời tiết giá lạnh bất thường trong 3 tháng đầu năm 2014. Tuy nhiên, sang đến quý II /2014 kinh tế Mỹ kinh tế Mỹ đã có bước tăng trưởng ngoạn mục lên tới 4,5% (so với quý II/2013) do doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư và các hộ gia đình tăng chi tiêu. Tình hình kinh tế Mỹ tiếp tục đi đúng hướng trong quý III/2014, với tốc độ tăng trưởng đạt 3,5% nhờ chi tiêu công tăng và thâm hụt thương mại thu hẹp.
Ngoài ra, kết thúc năm tài chính 2014, thâm hụt ngân sách của Mỹ giảm xuống còn 483,4 tỷ USD từ mức 680,2 tỷ USD của năm tài chính 2013, xuống thấp nhất kể từ năm 2007 do tăng trưởng kinh tế tăng tốc và doanh thu từ thuế thu nhập tăng . Trước số liệu tích cực của nền kinh tế Mỹ, FED đã chính thức chấm dứt Fed tuyên bố chấm dứt chương trình nới lỏng định lượng thứ 3 (QE3) sau 7 lần thu hẹp liên tiếp trước đó từ mức 85 tỷ USD/tháng.
---------------------------------------
Tài liệu tham khảo:
1. http://www.bea.gov/newsreleases/national/gdp/gdpnewsrelease.htm/
2. Bộ lao động Mỹ http://www.dol.gov/.
3. markiteconomics.com
4. http://gafin.vn/