Tin Kinh tế- xã hội  > Kinh tế thế giới > Mỹ

Tình hình kinh tế Mỹ 5 tháng đầu năm 2015

Cập nhật lúc: 01/06/2015 10:16:54 AM
Kinh tế Mỹ tăng trưởng chậm lại với tốc độ tăng trưởng trong quý I/2015 chỉ đạt 0,2% so với quý trước, thấp hơn nhiều so với mức dự báo 1% trước đó. Đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu tăng chậm do thời tiết xấu và tác động của việc đồng đô la tăng giá và giá dầu giảm. Chỉ số PMI trong lĩnh vực chế tác của Mỹ giảm từ 55,7 trong tháng 3/2015 xuống còn 54,1 trong tháng 4/2015 và là mức thấp nhất trong vòng 3 tháng. Tuy nhiên chỉ số này vẫn vẫn cao hơn mức trung bình trong dài hạn là 52,2. Sản lượng chế tác tăng với tốc độ chậm nhất kể từ tháng 12/2014 do số lượng đơn đặt hàng mới tăng chậm lại. Xuất khẩu giảm lần đầu tiên tỏng vòng năm tháng. Chỉ số PMI trong lĩnh vực dịch vụ vẫn cao ở mức 57,4 trong tháng 4/2015, nhưng đã giảm so với chỉ số tháng 3/2015 là 59,2.
 
Việc kinh tế Mỹ chỉ tăng 0,2% trong quý I/2015 đã khiến cho FED quyết định giữ nguyên mức lãi suất 0% trong cuộc họp ngày 29/4/2015. Quyết định này được đưa ra nhằm giúp nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng “vừa phải”. Các quan chức FEDcần đợi thêm những cải thiện trong thị trường việc làm và lạm phát cao hơn trước khi quyết định tăng lãi suất cơ bản.Chỉ số giá tiêu dùng đối với người tiêu dùng thành thị của Mỹ tăng 0,1% trong tháng 4/2015 và 0,2% trong tháng 3/2015 và tháng 2/2015 sau khi giảm 0,7% vào tháng 1/2015. Giá năng lượng và nhà ở tăng đã bù đắp cho sự sụt giảm về giá thực phẩm và là nguyên nhân chính khiến cho giá tiêu dùng tăng trong tháng 3/2015. Tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ giảm từ 5,5% tháng 3/2015 và tháng 2/2015 xuống còn 5,4% trong tháng 4/2015. Năng suất lao động trong khu vực phi nông nghiệp tại Mỹ quý I/2015 giảm 1,9% sau khi giảm 2,1% trong quý IV/2014. 
 
Tốc độ tăng chi tiêu tiêu dùng của Mỹ - một yếu tố quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đã giảm xuống chỉ còn 1,9% trong quý I/2015 so với quý IV/2014. Do vậy, để giúp thúc đẩy kinh tế, các hộ gia đình của Mỹ cần phải đẩy mạnh chi tiêu. Tỷ lệ tiết kiếm cá nhân của Mỹ đã tăng lên 5,5% trong quý I/2015, mức cao nhất kể từ năm 2012. Tỷ lệ này trong quý IV/2014 là 4,6%. Một động lực quan trọng khác của nền kinh tế là chi kinh doanh cũng giảm xuống. Mức tăng đầu tư cố định của khu vực ngoài dân cư – phản ánh chi cho phần mềm, nghiên cứu và phát triển, thiết bị và công trình - đã giảm xuống còn 3,4% so với 4,7% trong quý IV/2014. Việc giá dầu thấp cũng đã ảnh hưởng xấu tới các công ty năng lượng. Đầu tư kinh doanh vào kết cấu công trình đã giảm 23,1% do chi tiêu của khu vực khai thác mỏ vào hầm và giếng đã giảm 48,7%. 
 
Trong khi đó, đồng đô la tăng giá đã khiến cho hàng hóa sản xuất trong nước trở nên đắt hơn so với hàng nước ngoài, đồng thời những gián đoạn ở các cảng biển West Coast đã gây trở ngại cho hoạt động thương mại. Trong quý I/2015, xuất khẩu giảm 7,2% so với mức tăng 4,5% trong quý IV/2014. Nhập khẩu tăng 1,8% so với 10,4% trong quý IV/2014.
 
Chi tiêu dùng của chính phủ liên bang chỉ đóng góp rất ít cho tăng trưởng kinh tế trong quý I/2015, với mức tăng 0,3% sau khi giảm 7,3% trong quý IV/2014.Doanh số bán lẻ cuối cùng đối với các sản phẩm trong nước giảm 0,5% sau khi tăng 2,3% trong quý IV/2014. 
 
Mặc dù tăng trưởng kinh tế quý I/2015 khá ảm đạm, các chuyên gia vẫn cho rằng kinh tế Mỹ sẽ phục hồi tốt hơn trong những quý tới giống như trong năm 2014 nhờ điều kiện thời tiết tốt hơn và đầu tư tăng lên. Tuy nhiên, việc đồng đô la tăng giá và giá dầu thấp có thể còn tiếp tục và ảnh hưởng xấu tới xuất khẩu và đầu tư của Mỹ, do vậy ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế. 
 
 
Trích nguồn:Tổng hợp theo WSJ, Financial Times, JP Morgan, www.thesaigontimes.vn
Tác giả: Đoan Trang (Ban KTTG)
  Email    In


 

Bình luận

Mã xác nhận:
Nhập mã xác nhận:
 

Tìm kiếm

Số lượt truy cập : 1097202